Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ Y tế Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 66 Hội đồng Chấp hành Khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Guam, Hoa Kỳ.
Kỳ họp lần thứ 66 Hội đồng Chấp hành Khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) diễn ra từ ngày 12 - 16/10/2015 tại Guam, Hoa Kỳ. Đoàn đại biểu Bộ Y tế Việt Nam do Thứ trưởng Lê Quang Cường làm Trưởng đoàn đã tham dự hội nghị.
Hàng năm, Hội đồng Chấp hành WHO khu vực Tây Thái Bình Dương bao gồm 37 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực Tây Thái Bình Dương (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Singapore, Malaysia, Australia, Hoa Kỳ…) nhóm họp nhằm thảo luận và thông qua các chiến lược, chính sách và các chương trình y tế của khu vực để thực hiện các mục tiêu y tế toàn cầu và đáp ứng các ưu tiên y tế của các quốc gia.
Đoàn đại biểu Việt Nam và các Giám đốc WHO khu vực.
Tham dự Kỳ họp là đoàn đại biểu các nước do Bộ trưởng/Thứ trưởng Bộ Y tế các quốc gia làm trưởng đoàn, những người đứng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới và một số tổ chức quốc tế như Giám đốc WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO phụ trách các chương trình y tế toàn cầu, Giám đốc Quỹ toàn cầu phòng chống lao, HIV, sốt rét… và các nhà lãnh đạo y tế đến từ một số viện hàn lâm, trường đại học quốc gia và y tế công cộng nổi tiếng trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
Kỳ họp lần này sẽ thông qua nhiều chính sách và chương trình y tế quan trọng, làm cơ sở định hướng để WHO và các quốc gia trong khu vực áp dụng triển khai như: Kế hoạch hành động khu vực về viêm gan B giai đoạn 2016-2020, Khung hành động khu vực thực hiện Chiến lược toàn cầu về thanh toán bệnh lao giai đoạn 2016-2020, Tài liệu hướng dẫn về thực hiện bao phủ y tế toàn dân, Kế hoạch hành động khu vực về phòng ngừa bạo lực và tai nạn thương tích giai đoạn 2016-2020, Khung hành động khu vực về sức khỏe đô thị giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó, Kỳ họp cũng rà soát các kết quả mà WHO phối hợp với các quốc gia đã đạt được trong một năm vừa qua và những khó khăn thách thức phải đối mặt trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân, như phòng chống các bệnh lây nhiễm, đảm bảo an ninh y tế và ứng phó hiệu quả với các tình huống y tế khẩn cấp (dịch bệnh, thiên tai, thảm họa…), phòng chống các bệnh không lây nhiễm (tim mạch, tiểu đường, thừa cân, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản), nâng cao sức khỏe ở tất cả các giai đoạn của cuộc đời con người (như chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh, bà mẹ- trẻ em và người cao tuổi), tăng cường hệ thống y tế.
Đoàn Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Tiến độ thực hiện một số chương trình chuyên môn y tế trong khu vực cũng được WHO cập nhật và báo cáo cho các quốc gia trong khu vực, cụ thể tập trung về các nội dung: an toàn thực phẩm, các bệnh đang nổi, các bệnh nhiệt đới bị lãng quên, sức khỏe người cao tuổi, các bệnh không lây nhiễm và tăng cường hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế như luật quản lý dược phẩm, thực phẩm và vắc xin.
Đặc biệt, hội nghị năm nay sẽ bầu ra 2 quốc gia, đại diện cho các nước và vùng lãnh thổ của khu vực Tây Thái Bình Dương vào vị trí thành viên của Hội đồng Chấp hành Toàn cầu của WHO nhiệm kỳ 2016-2018 khi Nhật Bản và Hàn Quốc sắp kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5/2016. Việt Nam hiện đang ứng cử vào vị trí này. (Hội đồng Chấp hành Toàn cầu của WHO gồm 34 quốc gia thành viên được bầu từ 6 khu vực của WHO trên thế giới, gồm châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương. Khu vực Tây Thái Bình Dương có 5 ghế thành viên tại Hội đồng Chấp hành Toàn cầu).
T.s Trần Thị Giáng Hương, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế đại diện cho Việt Nam tham gia Panel về các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sau năm 2015 (ngày 14/10/2015)
Bên cạnh các phiên họp chính thức, các phiên họp bên lề cũng sẽ diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị, gồm các phiên họp về an ninh y tế, các mục tiêu phát triển bền vững, thanh toán bại liệt, luật y tế công cộng và phiên họp của Quỹ toàn cầu về phòng chống lao, HIV và sốt rét. Việt Nam được mời đồng chủ tọa Phiên họp về các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó Việt Nam chia sẻ tình hình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ tại Việt Nam và mối liên hệ giữa các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (sẽ kết thúc vào cuối năm 2015) và các Mục tiêu Phát triển bền vững (được đặt ra cho giai đoạn sau 2015).
Tham dự Kỳ họp, đoàn đại biểu Việt Nam tích cực đóng góp các tham luận có chất lượng cho hầu hết các nội dung chuyên môn và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam chia sẻ những thành tựu y tế đã đạt được trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, đạt các năng lực cốt lõi của Điều lệ Y tế Quốc tế, thực hiện tốt và tham gia hiệu quả vào các sáng kiến được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận Cơ quan quản lý vắc xin của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế (National Regulatory System for vaccines – NRA), thông qua Chiến lược quốc gia về chống kháng thuốc và ký thành công Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác phát triển về chống kháng thuốc tại Việt Nam, đạt tiến bộ trong thực hiện bao phủ y tế toàn dân, trong đó tỷ lệ bao phủ y tế đạt 75% vào cuối 2015, 100% các xã có trạm y tế với hơn 70% trạm có bác sĩ làm việc… Việt Nam cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức mà Việt Nam hiện, đang và sẽ phải đối mặt như gánh nặng bệnh tật thay đổi, sự bùng phát của các bệnh truyền nhiễm đang nổi (MERS-CoV, Ebola), sự chênh lệch trong tiếp cận dịch vụ y tế giữa các vùng miền và giữa các nhóm đối tượng dân cư, hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực cho y tế…
Trao Kỷ niệm chương “Vì Sức khỏe nhân dân” cho ông Jeffery Joseph Kobza, nguyên quyền Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam trong thời gian 2014-2015.
Nhân dịp tham dự Hội nghị, Việt Nam cũng có nhiều hoạt động ngoại giao y tế quan trọng, nhằm tăng cường vận động và thu hút các hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam trong lĩnh vực y tế. Thứ trưởng Bộ Y tế, GS. Lê Quang Cường đã có cuộc gặp và làm việc với Ngài Shin Young-soo, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới, trao đổi và thúc đẩy các hợp tác song phương, trong đó có việc hỗ trợ chuyên gia quốc tế cho Việt Nam tư vấn đổi mới đào tạo y khoa nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho y tế Việt Nam. Đoàn Việt Nam cũng đã gặp và làm việc với đoàn Brunei để trao đổi về các công việc liên quan đến Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN và Cuộc họp các quan chức cao cấp về phát triển y tế ASEAN, gặp và làm việc với đoàn Australia để chuẩn bị cho Hội nghị APEC và triển khai các nội dung hợp tác sau chuyến thăm Australia và New Zeland của Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam. Nhân dịp tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quang Cường, thay mặt cho Bộ Y tế Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương “Vì Sức khỏe nhân dân” cho ông Jeffery Joseph Kobza, nguyên quyền Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam trong thời gian 2014-2015, hiện đang là Giám đốc nhân sự, hành chính và tài chính của Văn phòng WHO khu vực Tây Thái Bình Dương để ghi nhận những đóng góp tích cực của ông Kobza cho y tế của Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Quang Cường trao Kỷ niệm chương “Vì Sức khỏe nhân dân” cho ông Jeffery Joseph.
Trong các ngày họp tiếp theo, đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tiếp tục tham dự và đóng góp các tham luận chuyên môn tại Hội nghị. Dự kiến Hội nghị sẽ kết thúc vào ngày 16/10 và thông qua 5 Nghị quyết về các kế hoạch hành động khu vực trong lĩnh vực y tế và một số Nghị quyết ghi nhận các kết quả và tiến độ thực hiện được các chương trình y tế khác.
Tên đơn vị: CÔNG TY CỔ PHẦN TRUNG TÂM CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG
Người đại diện pháp luật:
Mã số doanh nghiệp: 030xxxxxx
Giấy phép hoạt động số: xxxx/HCM-GPHĐ